Trung Y xem bệnh như thế nào?

Lời tựa sách Y kinh tâm ngộ ký – Nhiệm Chi Đường

Dịch và chú thích: Phạm Duy Đức

Để xây một tòa nhà thì cần những kiến thức nào? Thầy tôi nói, thứ nhất cần bản thiết kế chi tiết một cách khoa học, thứ hai cần có tư duy mỹ thuật một cách nghệ thuật, thứ ba cần có năng lực chuyển hóa từ lý luận thành thực tiễn, có thể áp dụng lên thực địa, biến ý tưởng thành hiện thực một cách chắc chắn. Học Trung y cũng như vậy.

Các bạn có thể sẽ hỏi, chẳng phải học Trung y thì cần nhân tài khoa học xã hội (văn khoa) sao? Dụng văn để thông thạo y, thành công quá nửa?

Thầy tôi nói, học Trung y càng cần năng lực suy luận logic của khoa học tự nhiên (lý khoa), đương nhiên cũng không thể thiếu tích lũy kiến thức khoa học xã hội. Không có nền tảng kiến thức khoa học xã hội thì rất nhiều sách y không thể hiểu được, lại còn rất nhiều tư duy “thủ tượng[1]” kỳ diệu sẽ không thể triển khai ý tưởng ra được. Nếu không có tư duy logic của khoa học tự nhiên, đến lúc muốn đem y lý ứng dụng trên lâm sàng thì nhận ra trong tay tuy có ngàn phương mà diệu phương khó viết thay!

Do đó văn lý phải kiêm thông mới có thể thành y gia. Không biết “thức văn đoán từ”[2], khó mà làm y, không biết “cùng lý thông biến”[3] càng khó làm y. Do vậy một y gia xuất sắc bắt buộc phải dung hòa lý luận và thực tế, phải tinh thông văn học, phải suy luận cách chặt chẽ. Nếu thiếu bất kỳ yếu tố nào, đều rất khó để thực sự phát triển. Đây là lý do vì sao người học y thì nhiều mà người thành tựu lại ít.

Trước nay sở trường của thầy tôi thiên về khoa học tự nhiên, người khác phải dùng một tiếng để hoàn thành một bài toán logic, thầy chỉ cần nửa tiếng, mặt khác lại được điểm số cao nhất.

Thầy tôi nói, đây chỉ là chuyện xưa việc cũ, kinh nghiệm của hai mươi năm trước rồi, nhưng thầy vẫn nhớ lại y như cũ, vẫn sung sướng như xưa. Thầy thấy những bài toán logic này đều rất hưng phấn, vì nó chứa đầy tính thách thức tư duy suy luận logic. Mỗi lần giải được những  câu chứng minh trong đó cũng giống như leo lên đỉnh một ngọn núi cao vậy, cho ta cảm giác thành công. Do đó với toán logic, thầy trước nay đều thích giải bài khó. Thói quen này hình thành làm cho thầy khi gặp bệnh khó trên lâm sàng liền nhen lên tâm lý thách đấu, nhất định phải xử lý được vấn đề.

Sau đó thầy tôi giảng cho mọi người hình học tam giác đơn giản nhất cho đến hình học lập thể phức tạp.

Chẳng phải đang học Trung y sao? Lại giảng tới toán học vậy?

Thầy tôi nói, y dịch tương thông, “Kinh Dịch” giảng về tượng số học, trong hơn một năm qua, tư duy suy luận thủ tượng của các bạn trong đã dần dần được nâng cao rồi, nhưng cách suy diễn logic chặt chẽ, tư duy toán học vẫn còn chưa đủ. Mà muốn có hiệu quả trên lâm sàng, bắt buộc phải có cách tư duy này.

Ví như hình tam giác, tổng ba góc bằng 180 độ, đây là một định lý. Nếu bạn biết hai góc cộng lại bằng 130 độ thì có thể suy ra góc thứ ba bằng 50 độ không?

Từ dữ liệu đã biết để suy ra kết quả, sau đó thêm chứng minh, đó là cách tư duy logic một cách chặt chẽ.

Trên lâm sàng, khi các bạn nhìn thấy chứng chảy nước mũi trong, làm thế nào để suy luận ra pháp trị thông tuyên lý phế?

Dùng thông tuyên lý phế để điều trị chảy nước mũi trong là thành quả của kinh nghiệm suy luận, nhưng điều các bạn cần biết là thành quả này làm sao mà có được. Đầu tiên, các bạn cần đi tìm định lý, công thức. Những định lý, công thức này chính là những câu kinh văn lưu truyền trăm ngàn năm nay, đại đa số những câu kinh văn ấy thường nằm trong các tác phẩm kinh điển, như <Hoàng Đế nội kinh>, <Nạn kinh>…

Lúc này bạn tìm thấy “phế khai khiếu ở mũi”, đây là định lý thứ nhất, bạn lại tìm thấy “dương hóa khí âm thành hình”, đây là định lý thứ hai. Từ hai định lý này bạn có thể nghĩ tới nguồn gốc của chảy nước mũi trong là do trong phế có hàn, nước mũi là sản phẩm của “âm thành hình”. Nếu dương khí đầy đủ sẽ không thể biến thành nước trong mà sẽ hóa thành khí, làm vinh nhuận da lông toàn thân. Chỉ khi dương khí ở hung phế bất chấn[4] không thể hóa khí thì âm tà mới thừa lại, chảy ra ngoài thông qua mũi, nhắc nhở các bạn có hàn ở lý. Lúc này các bạn có thể chứng minh thông tuyên lý phế, dùng phương pháp ôn hóa hàn khí ở hung phế sẽ trị khỏi được chứng chảy nước mũi trong.

Khi đó các bạn kê cho bệnh nhân thuốc thành phẩm thông tuyên lý phế hoàn, bệnh nhân uống có tác dụng. Các bạn lại kê cho ngọc bình phong tán hợp quế chi thang để ôn hóa dương khí ở hung phế, bệnh nhân uống lại có tác dụng. Sau khi những suy luận đó được các bạn tự chứng minh thì lối tư duy sẽ linh hoạt mà mở rộng ra, dùng thuốc trên lâm sàng cũng từng bước cải thiện bệnh tật.

Do đó, Trung y xem bệnh như thế nào? làm sao để dạy người khác học Trung y? Vấn đề quan trọng không phải là xem học phái học thuyết của y gia nào, cũng không phải là theo học danh sư nào, mà việc đầu tiên là phải bồi dưỡng tư duy suy luận logic.

Từ rất nhiều định lý và công thức đã biết để mở ra thêm nhiều suy luận, sau đó thông qua các loại suy luận để giải quyết vấn đề cần chứng minh. Tức là trên lâm sàng cần phải công hạ được các bệnh tật khó.

Học y cũng như tu hành, phải “mạc y chỉ, pháp y chỉ, mạc dị y chỉ”[5], nghĩa là con người quý ở chỗ biết tự tham cứu lĩnh hội đạo lý, vận dụng những quy luật nguyên tắc đã biết để giải quyết mọi vấn đề ở mọi mức độ. “Tự y chỉ” nghĩa là dựa vào chính mình; “pháp y chỉ” nghĩa là tuân thủ các phép tắc, quy luật, định lý, công thức; “mạc dị y chỉ” là chớ dựa vào người khác hay những học thuyết, thậm chí chính thầy mình cũng không phải là chỗ dựa.

Phương tây có câu triết ngôn “tôi yêu thầy tôi, nhưng tôi càng yêu chân lý”[6]

Ở Trung Quốc, người thực sự tôn sư trọng đạo không phải là tôn một người nào đó, trọng một học thuật nào đó, mà là tôn trọng đạo lý quy tắc của trời đất.

Hiện nay rất nhiều người học y chỉ muốn có được những bài thuốc bí mật, những kinh nghiệm có sẵn, mà không thèm dụng tâm để suy nghĩ nghiên cứu, chiêm nghiệm những câu kinh văn, không muốn học thuộc những định lý công thức, như Hoàng đế Nội kinh. Kỳ thực, nếu bạn học thuộc những định lý công thức cơ bản này rồi nghiên cứu suy luận sâu thêm thì khi bạn đối mặt với những bệnh khó thì mạch suy luận của bạn sẽ dần dần sáng tỏ. Nếu bạn không tự phân tích mà chỉ tiếp nhận cách mơ hồ kinh nghiệm của người khác thì bạn không hề tự chứng minh, mà chỉ là học mót, đến khi tự mình ứng dụng lâm sàng thì rất khó để vận dụng được như ý.

Việc này cũng như có thầy thuốc rất giỏi dùng tễ sài hồ, dày công tôi luyện, hầu hết bệnh nhân đều có phản ứng tốt. Tuy nhiên nếu bạn không hiểu được cơ chế, cứ sao chép y nguyên mà dùng thì hiệu quả lại không rõ ràng thì bạn sẽ cảm thấy rất thất vọng.

Cũng như có người nói, tôi trọng dùng một vị xuyên khung trị đau đầu, tác dụng rất tốt; lại có người nói tôi dùng cảo bản, mạn kinh tử trị đau đầu rất tốt; có người nói tôi dùng khương hoạt, cát căn trị đầu thống tác dụng cũng vô cùng tốt; lại có người nói tôi dùng tam thất phối tế tân, tán bột, trị đầu thống, trị mọi loại đau đầu mãn tính đều có hiệu quả thần kỳ; lại có người nói tôi dùng trà xuyên khung tán gia giảm biến hoá mà trị mọi loại đau đầu; lại có người nói tôi chỉ một mình tiêu dao tán là trị được đau đầu rồi…

Trong một chốc lát mà lượng kiến thức như núi cao biển sâu ập tới, bạn sẽ rất hoang mang, mỗi kinh nghiệm lâm sàng đều rất quý, đều là đạo lý. Nhưng khi bạn thực sự đối mặt với bệnh nhân đau đầu thì bạn sẽ do dự không quyết định được. Dương như dùng cái gì cũng được, lúc bạn kê đơn rồi thì dường như cách nào cũng không được như ý. Cũng như Tôn Tư Mạo viết trong  <Đại y tinh thành> như trên đã nói, thế gian có kẻ ngu muội, đọc mấy quyển sách thuốc, ba năm đã ngẩng đầu nghênh mặt xưng dưới trời này không có bệnh nào ta không chữa được. Đợi đến khi làm lâm sàng đến ba năm thì sẽ phát hiện bệnh tật không bao giờ hoàn toàn như sách, phát sinh biến hoá từng bước từng bước rõ ràng như vậy. Lúc đó, lại bực tức mà than rằng, dưới trời này chẳng có phương thuốc nào dùng được.

Tại sao lại vậy? Bởi vì tất cả những kiến thức trong sách đều là những suy luận của người khác, bạn cần phải có quá trình tự suy luận. Chỉ cần quá trình suy diễn logic này thực hiện một cách nghiêm túc cẩn thận thì bạn mới có thể kết hợp hài hoà tri thức và thực tiễn thành một thể. Ví dụ, chúng ta cần chứng minh tại sao đau đầu không thể rời xuyên khung, nếu đây là câu hỏi hình học, câu hỏi số học của bạn, thì bạn làm thế nào để chứng minh thông qua những định lý và công thức đã biết? Chứng minh được rồi thì khi bạn dùng sẽ không thất vọng, chứng minh không được bạn cứ áp dụng đại khái thì không khác gì mua vé số, nhờ xác suất, nhờ vận may mà trúng.

Đại bộ phận các định lý, công thức, nguyên lý, quy luật của Trung Y đều ở trong <Hoàng đế Nội kinh>, do đó chúng ta nên nghiên cứu các câu kinh văn trong <Hoàng đế Nội kinh>. Đối với việc điều trị đau đầu, ta tìm ra điểm thứ nhất “đầu vi chư dương chi hội” (đầu là nơi hội tụ của dương); sau đó lại tìm ra điểm thứ hai, xuyên khung có thể đi lên đầu mặt, đi xuống huyết hải, giải uất kết ở hai bên; và điểm thứ ba, định lý “bất thông tắc thống, bất vinh tắc thống” (không thông thì đau, không vinh nhuận thì đau). Từ đó chúng ta có thể suy luận ra các cách điều trị đau đầu khác nhau.

Các bạn biết tại sao lại có các học thuyết của các y gia không? tại sao Trung Y lại có thể “trăm hoa đua nở” tại sao các đời y gia sản sinh ra vô cùng phong phú các kinh nghiệm điều trị? Tất cả đều bởi suy luận từ những nguyên lý định lý cơ bản này mà có được các kinh nghiệm điều trị bệnh tật.

Do đó với bệnh đau đầu, nếu gặp “bất thông” thì đem dương khí lên trên để thông chỗ tắc, như khương hoạt hay cát căn. Gặp “bất vinh” tạng phủ bất túc thì đem khí dẫn lên, tư dưỡng chỗ hư, như bổ trung ích khí thang. Gặp tà khí thúc biểu[7], dẫn đến kinh mạch co rút thì dùng thuốc phát tán tà khí, như khung trà điều tán. Gặp khí ở tạng phủ không điều hoà thì dùng thuốc để điều đạt khí, như tiêu dao tán. Gặp huyết uất cục bộ gây đau như châm chích thì dùng thuốc trừ khứ huyết ứ đi, như loại thuốc từ côn trùng, ngô công, toàn yết.

Như vậy sẽ làm cho đầu – nơi hội tụ của dương – có thể đạt được trạng thái “thanh dương xuất thượng khiếu, trọc âm xuất hạ khiếu, thanh thăng trọc giáng”[8]. Như vậy, bạn tuỳ ý kê đơn đều là phương thuốc hay cả, đều trực tiếp đánh vào bệnh cơ, như vậy mới là học y cách linh hoạt.

Thầy tôi nói, công việc tiếp theo của chúng ta là quá trình luyện tập “trị bệnh ngộ bệnh”, dùng những công thức định lý đã biết chỉnh lý lại, làm quen với nó, rồi suy luận để phục vụ lâm sàng. Đây gọi là “Trung y chi Chứng”[9]. Để thực sự “Chứng” có hai ý, một là chứng hậu, bạn phải biện chứng, đây là danh từ; hai là “Chứng lý”, bạn phải suy luận, đây là động từ. Do đó, “Trung y chi Chứng”, tuyệt đối không đơn giản như biện chứng luận trị, chỗ tinh tuý sâu sắc nhất của nó là “Chứng đạo”. Khi đã thực sự nhuần nhuyễn quá trình “Chứng đạo” này rồi thì mới có thể phát triển Trung y từ gốc rễ, mới có thể bồi dưỡng được nền Trung y vững mạnh.

Chúng tôi bèn hỏi thầy, làm thế nào để nắm vững được “Trung y chi Chứng”?

Thầy cười rồi nói, trị bệnh như giải toán, các bạn cho là Trung y khó học, “nán dị tương thành”[10] khó chỉ là khó ở việc các công thức định lý bạn nắm được không nhiều, khó ở việc bạn không quen với cách suy luận này. Khi nền tảng này đã kiên cố rồi thì bạn làm cho lối suy luận này được mạch lạc, như vậy bạn sẽ tự đạt được những kinh nghiệm rất quý, thực sự không cần phải chạy khắp nơi tìm thầy học đạo. Tự bạn có thể đào được những kho báu từ cổ thư. Các bạn sẽ phát hiện ra Trung y trị bệnh cũng như học sinh giải toán, có người chỉ giảng một chút là biết làm, có người thì giảng hoài cũng không làm nổi.

Do đó, việc các bạn cần làm ngay là nhớ và hiểu thật rõ những nguyên tắc điều trị trong sách cổ, biến nó thành vũ khí của mình, chuẩn bị thật tốt cho bước tiếp theo là suy luận.

Tại sao hiện nay chúng ta dùng hạnh tô ngũ bì ẩm điều trị chàm rất hiệu quả? Kết quả này là do suy luận từ công thức mà ra, quá trình này chính là như vậy. Đầu tiên bạn cần biết mệnh đề “phế chủ bì mao” và mệnh đề hai “trọc âm xuất hạ khiếu”. Do đó trên lâm sàng gặp bệnh chàm, phế mạch thượng kháng[11] cần nghĩ ngay đến trọc thuỷ không bài xuất bằng trọc đạo (tiền hậu âm) mà phát ra ở da, phải trị ở đâu đây? Trị phế. Trị như thế nào? Đem thuỷ thấp thu vào tam tiêu, thông qua bàng quang mà thải ra ngoài. Như vậy, thấp trọc bài tiết bằng tiểu tiện rồi thì không còn lan tràn ở bề mặt da nửa, tự nhiên sẽ khỏi bệnh, đây gọi là phép trị gốc.

Phép trị gốc này lại suy luận từ hai công thức Trung y rất đơn giản “phế chủ bì mao” và “trọc âm xuất hạ khiếu”. Cho dù mới học Trung y cũng biết hai công thức này, nhưng họ lại không biết suy luận như thế nào. Một khi đã biết cách suy luận rồi thì khi đối diện với chứng khó như chàm thì bạn sẽ có phương pháp đối ứng hiệu quả.

Làm thế nào để giải toán hình học? nếu những công thức định lý cơ bản cũng không biết, thậm chí tổng ba góc trong một tam giác bằng 180 độ cũng không biết thì không có cách gì để suy luận cả. Cũng như chưa làm móng thì không thể xây nhà lầu được.

Hiện nay có nhiều học sinh rất thông minh, rất giỏi tìm tòi những suy luận của người khác, nhưng chỉ là kết quả của người khác. Không nên vui mừng vì thu được kiến thức của người khác, không nên dương dương tự đắc khi có được nhiều kinh nghiệm vốn có của người khác, cần phải hiểu được Trung y bắt buộc phải tự mình ngộ[12] ra vấn đề. Có phép tắc nào mà người học Trung y phải tuân thủ không? làm thế nào để ngộ? cần phải rèn luyện như thế nào? có công thức nào để trở thành hình mẫu cho mọi người học Trung y không? Chắc chắn là có. Cũng như mặt trời đem ánh sáng và nhiệt ban bố cho vạn vật, tạng tâm cung ứng năng lượng cho ngũ tạng lục phủ. Người làm y chân chính phải là người tu đạo, cần trở thành một mặt trời đỏ.

Hiện nay, sinh viên đại học mới ra trường chí khí mạnh mẽ, nhưng một khi đi lâm sàng thì nhụt chí ngay. Một khi nhụt chí thì niềm tin cho Trung y liền tiêu tan, một khi mất niềm tin thì giữa đường đứt gánh tự từ bỏ, người ta chỉ đâu đánh đó, kết quả là rất nhiều kiến thức không xâu chuỗi lại được, về cơ bản là không thể kết hợp được. Chẳng những kiến thức bản sơ sài mà còn thiếu tinh thần không ngừng tìm hiểu nghiên cứu.

Thầy tôi một mực cho rằng, người làm y chân chính phải là thiền giả, giác ngộ giả. Cũng như nghiền ngẫm một câu thoại đầu đến vỡ nát ra, y lý cũng phải ngộ thấu. Quá trình nghiền ngẫm lặp đi lặp lại không ngừng, như bò nhai lại cỏ, không ngại đọc những công thức định lý cả trăm lần, đọc thuộc nghĩ sâu đến thành .

Thơ cổ viết: Uyên ương tú thủ bằng quân khán, mặc bả kim châm độ dữ nhân[13].

Nghĩa là, khi đã thêu xong bức tranh uyên ương xinh đẹp rồi mới đưa cho người khác thưởng thức, nhưng tuyệt nhiên không truyền công phu thêu hoa (kim châm chi thuật) ra ngoài. Bây giờ thầy Dư, không những đem y án công bố, mà còn truyền hết những lối tư duy trị bệnh, truyền hết “kim châm chi thuật” quý báu của Trung y đã được tích luỹ và chứng nghiệm quan ngàn năm, chẳng giữ lại chút gì.

Nhưng hiện nay, rất nhiều người chỉ muốn dẫm một cái là thành. Họ đã quên mất một việc rất quan trọng, muốn nắm được chân lý luôn luôn là quá trình suy ngẫm lặp đi lặp lại, không thể đi một lần là đến. Đi một lần mà đến là ma pháp, không phải chính pháp, đó chỉ là cái lợi trước mắt mà thôi. Đường chính đạo luôn là bể dâu, là tích tụ của tinh hoa.

Do đó chúng tôi giới thiệu <Nhậm chi đường Y kinh tâm ngộ ký – nghiền ngẫm y kinh> với mục đích làm rõ Trung y nên khám bệnh như thế nào, ngộ bệnh thế nào, quá trình dùng công thức đã có để suy luận ra phương pháp điều trị ra sao. Nội dung tuy rời rạc, nhưng lại là những kết tinh từ việc nghiền ngẫm trên lâm sàng, hy vọng từ những nền tảng căn bản này mọi người có thể tiến thêm một bước cao hơn, nhảy xa hơn, xem rộng hơn, lĩnh ngộ sâu hơn, con đường tư duy rộng rãi hơn.

Tằng Bồi Kiệt   Trần Sáng Đào

Ngày 1 tháng 3 năm 2014


[1] 取像 thủ tượng, phương pháp nghiên cứu của triết học Trung Hoa cổ đại, mượn hình tượng trong tự nhiên để quy nạp chân lý, là lối tư duy thiên về trực giác, ngộ tính.

[2] 识文断字 biết chữ, chỉ người có một chút hiểu biết văn hóa.

[3] 穷理通变 thông hiểu lý lẽ nguồn gốc sự biến đổi của sự vật hiện tượng.

[4] 振 chấn: rung lắc, phấn khởi, hăng hái.

[5] 自依止,法依止,莫异依止

[6] Là câu nói của Aristoteles “Plato is dear to me, but dearer still is truth”. Aristoteles (384~322 BC) là một nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại, học trò của Platon và thầy dạy của Alexandros Đại đế. Ông được xem là người đặt nền móng cho môn luận lý học, và được mệnh danh là “Cha đẻ của Khoa học chính trị”. Ông cũng thiết lập một phương cách tiếp cận với triết học bắt đầu bằng quan sát và trải nghiệm trước khi đi tới tư duy trừu tượng. Cùng với Platon và Socrates, Aristoteles là một trong ba trụ cột của văn minh Hy Lạp cổ đại. (wikipedia)

[7] 邪气束表 tà khí thúc biểu, tà khí bao bọc ở phần biểu – da lông bên ngoài cơ thể.

[8] Thanh dương (khí có tính nhẹ, trong sạch) đi lên các khiếu ở vùng đầu (tai mắt mũi miệng), trọc âm (khí có tính nặng, dơ) đi xuống các khiếu bên dưới (tiền âm, hậu âm), thanh dương phải được thăng lên trên, trọc âm phải được đưa xuống dưới.

[9] 中医之证 Trung y chi Chứng, Chứng trong Trung y. 证 chứng, chứng minh, bằng chứng.

[10] 难易相成 nan dị tương thành, khó và dễ chỉ là tương đối.

[11] 肺脉上亢 phế mạch thượng kháng, bộ thốn bên phải là mạch của phế, mạch bình hoà của phế thì mềm nhẹ như lông, mạch thượng kháng thì mạnh mà đẩy ngược lên tay người bắt.

[12]ngộ, chỉ sự “nhận thức”, “trực nhận”, “thấu hiểu xuyên suốt”. Nhận biết chân lý một cách trực tiếp mà không thông qua hệ thống tư tưởng, triết lý nào cả.

[13] 鸳鸯绣取凭君看,莫把金针度与人

Ôn bệnh tâm đắc (Triệu Thiệu Cầm)

Nguồn: 赵绍琴著.赵绍琴温病讲座.学苑出版社.北京,2015, 2-4.

ÔN BỆNH TÂM ĐẮC: BÀI GIẢNG 1

Đoạn thứ nhất: “Ôn nhiệt bệnh là do ôn tà từ miệng mũi mà vào, khí ở mũi thông với phế, qua miệng hầu mà tới, tà không phải từ bì mao mà nhiễm vào. Cho nên ôn bệnh mới phát tất có họng đỏ mà sưng, miệng khô lưỡi đỏ, ho khan, thậm chí có đờm, hoặc tức ngực mà suyễn, bắt đầu ở thượng tiêu, tuy có hàn nhiệt, nhưng không phải biểu chứng, mà nói rằng ở vệ. [温热病乃温邪自口鼻而入,鼻气通于肺,经口咽而至,非邪从皮毛所感受。故温病初起必咽红而肿,口干舌红,咳嗽,甚则有痰,或胸痛而喘,始在上焦,虽有寒热,却非表证,故曰在卫]” Continue reading

Bàn về chứng của Thái Dương (tiếp)

Tiếp theo của  Phần 1, Phần 2

5. 太阳病,发热而渴,不恶寒者,为温病 (6)

Tiếp theo giảng về hai loại chứng, một là ôn bệnh (温病), một là phong ôn(风温). “Thương hàn luận” là luận về nghĩa hẹp của thương hàn, chủ yếu giảng về Thương hàn ngoại cảm. Ở đây đề ra phong ôn ôn bệnh, đem làm một loại của Thái Dương bệnh, có ý nghĩa chẩn đoán phân biệt rất quan trọng. Continue reading

Bàn về chứng của Thái Dương (tiếp)

Nguồn: 刘渡舟著录.刘渡舟伤寒论讲稿[M]. 北京.人民卫生出版社,2008: 25 – 28.

(辨太阳病脉证并治法上)

Xem lại Phần 1

2. 太阳病,发热,汗出,恶风,脉缓者,名为中风 (2)

Trong tổng cương về Thái Dương lại phân tiếp thành hai chứng, một là chứng Thái Dương trúng phong, một là chứng Thái Dương thương hàn. Tổng cương là nói về đặc tính chung, trúng phong và thương hàn là nói về đặc tính riêng. Chữ “trung中” trong trúng phong đọc là “trúng”. Tiếp theo những gì đã nhắc đến ở phần 1,  tuy rằng vẫn là “bệnh Thái Dương”, mạch hoãn là mạch phù mà hoãn. Trúng phong chính là phong tà làm tổn thương phần biểu của Thái Dương. Chữ “trúng中” tương đương như chữ “thương伤”, đồng nghĩa với chữ “thương” trong thương hàn. Tuy vậy nhưng trúng phong nhẹ hơn thương hàn một chút. Phong là dương tà, khi làm tổn thương cơ thể thì bộ phận bị bệnh tương đối nông, ở phần Vệ chứ chưa đến phần Dinh. Bởi vì phong tà thuộc dương làm tổn thương khí Vệ dương của Thái Dương, cũng là dương tà mà thương dương khí, dương lạ gặp dương, cho nên triệu chứng phát nhiệt tương đối nổi trội.

Trong sinh lý, Vệ và Dinh có tác dụng hỗ trợ hòa hợp với nhau, chi viện cho nhau. Vệ đi ở ngoài mạch, Dinh đi ở trong mạch, Vệ thuộc về dương mà Dinh thuộc về âm, Vệ ở phía ngoài để củng cố, Dinh ở bên trong để giữ gìn, hai thứ này chi viện lẫn nhau. Phong tà xâm phạm mà cư ở phía ngoài Vệ dương, tà khí ở Vệ mạnh lên, cho nên gọi là “Vệ cường”. Từ góc độ chính khí để xem xét, khi tà khí ở Vệ mạnh lên, chức năng của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng, sẽ không thể bảo vệ và giữ gìn Dinh âm. Từ góc độ tà khí để xem xét, đặc điểm của phong tà là thích di chuyển mà hay biến hóa, có tác dụng phát tiết, ép cho Dinh âm không thể giữ lại ở bên trong, cho nên ra mồ hôi. Hai triệu chứng phát nhiệt và ra mồ hôi thường gắn liền với nhau. Khí của phong tà thuộc dương làm tổn thương khí của Vệ dương, dương lại gặp dương, cho nên triệu chứng phát nhiệt sẽ nhanh hơn một chút, không giống như thương hàn là do hàn tà bế uất dương khí của Vệ khí, bế uất đến một mức độ nhất định mới phát nhiệt. Bởi vì phát nhiệt, tà khí của Phong, khai tiết của dương tà, lại cộng thêm Vệ khí không giữ được cho nên mồ hôi mới ra. Dựa theo quan sát lâm sàng, ra mồ hôi trong trúng phong thường không nhiều, so sánh với mồ hôi ra đầm đìa, ra nhiều như trong nhiệt chứng của Dương Minh, mồ hôi của chứng này chỉ đạt đến mức độ râm rấp ở bề mặt da. Làm một bác sỹ lâm sàng, nếu gặp phải một bệnh nhân cảm mạo phát sốt, nhất định phải chẩn mạch, dùng tay sờ trên da bệnh nhân xem khô ráo hay ẩm ướt. Nếu như da dẻ nóng bỏng mà lại khô ráo, đó là phát nhiệt không có mồ hôi; nếu như phát nhiệt mà da lại ẩm ướt có mồ hôi, đó là phát nhiệt, ra mồ hôi. Phát nhiệt, ra mồ hôi đều là đặc điểm của trúng phong. Continue reading

DỤNG DƯỢC TRONG “THƯƠNG HÀN LUẬN”: NGHIÊN CỨU VÀ THỰC TIỄN

DỤNG DƯỢC TRONG “THƯƠNG HÀN LUẬN”: NGHIÊN CỨU VÀ THỰC TIỄN[1]

Trong tư tưởng triết học của văn hóa cổ đại Trung Quôc Nho, Đạo, Thích, các sách y dược cổ đại như “Hoàng đế nội kinh”, “Nan kinh”, phân biệt  lí luận dược lý học của “Thương hàn luận” cung cấp cơ sở cho triết học, tài liệu thực tiễn về dược vật và trụ cột cho lí luận trung y, khiến cho “Thương hàn luận” trở thành lí pháp phương dược –  nối thông các sách y học kinh điển.

Dược vị dùng trong “Thương hàn luận” vốn không nhiều, nhưng trong sách lại bao hàm lí luận về dược lý học rất phong phú. Như liên quan đến bào chế dược vật, “Thương hàn luận” so với “Thang dịch kinh”, “Ngũ thập nhị bệnh phương”, về phương thức bào chế càng đa dạng, cũng càng tỉ mỉ hơn; về việc dùng lượng của dược vật, yêu cầu của  “Thương hàn luận” đối với liều lượng của dược vật càng nghiêm khắc; về phương diện phối ngũ của dược vật, “Thương hàn luận” càng nhấn mạnh thuộc tính tương phản khi dùng cùng nhau của dược vật, đối với điều trị những bệnh chứng phức tạp càng có ý nghĩa tích cực. Continue reading

LÝ LUẬN TIÊU BẢN

LÝ LUẬN TIÊU BẢN

  1. Nội dung của tiêu bản

Lý luận tiêu bản được biết sớm nhất bắt đầu từ “Linh khu – Vệ khí biện”. “Tiêu” “Thuyết văn” giải thích là “mộc diểu mạt dã”[1], “Đoạn chú” giải thích là “diểu, tiểu dã, mộc tế chi chi vị diểu[2]”. Những kiểu giải thích ở trên đại bộ phận đều chỉ bộ phận ngọn nhỏ mảnh của cây, thường là chỉ ngọn cây. “Tố vấn – Lục vi chỉ đại luận” chú: “tiêu giả bệnh chi thủy[3]”, “bản” “Thuyết văn” viết: “mộc hạ viết bản[4]”, “Lễ ký – lạc ký” nói: “do sơ dã[5]”, có ý nghĩa của cơ (bản), nguyên, sơ cũng có hàm ý chỉ gốc cây của thực vật, thường là để chỉ căn bản. “Tiêu” là chỉ ngọn cây, ở phía trên, tương ứng với các vị trí đầu, mặt, ngực, lưng của cơ thể. “Bản”  chỉ rễ cây, ở phía dưới, tương ứng với các đoạn dưới của tứ chi trên cơ thể. Continue reading

“Tiểu kiến trung thang” trong điều 102 có ý nghĩa biện chứng như thế nào?

Nguyên văn viết: “Thương hàn nhị tam nhật, tâm trung quý nhi phiền giả, tiểu kiến trung thang chủ chi (伤寒二三日,心中悸而烦者,小建中汤主之)”. Thương hàn 2,3 ngày mà điều trị không đúng thì thấy xuất hiện tâm quý mà phiền, cho thấy rằng bình thường vốn đã lý hư, không chịu được tà quấy nhiễu. Trung tiêu hấp thụ khí tinh chọn thủy chấp, hóa sinh khí huyết, trung tiêu nội suy, hóa nguyên không đủ, khí huyết lưỡng suy, tâm không được nuôi dưỡng, suy rỗng vô chủ mà sinh ra sợ hãi, tâm thần không yên mà sinh ra phiền. Điều trị dùng Tiểu kiến trung thang, kiện trung bổ suy, dựa vào tích trữ mà hóa nguyên. Continue reading